Để hiểu rõ hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng hoà giải thương mại, Saigonmind Law Firm xin giới thiệu một số nội dung căn bản của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 22).
Các hình thức giải quyết khi có tranh chấp thương mại –
Hoà giải thương mại là gì?
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, ký kết, thực hiện
hợp đồng, các cá nhân, doanh nghiệp có thể phát sinh các tranh chấp. Thông
thường, các tranh chấp này có thể giải quyết bằng con đường thương lượng giữa
các bên. Khi không thương lượng được, bất kỳ bên nào có thể thực hiện quyền tố
tụng đưa tranh chấp ra Toà án hoặc Trọng tài thương mại để phán quyết.
Thực ra, thế giới đã tồn tại giải pháp hoà giải thương
mại bên cạnh các cách giải quyết truyền thông như trên. Hoà giải thương mại là
việc giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thoả thuận và được chủ thể hoà
giải thương mại làm trung gian hỗ trợ, ghi nhận và xác nhận kết quả thoả thuận
giữa các bên. Đây là một phương thức khá tiến bộ, giảm thiểu thời gian giải
quyết, đảm bảo tính bảo mật cao, đồng thời giảm thiểu tối đa mọi chi phí để
thực hiện hoạt động tố tụng để giải quyết tranh chấp.
Như vậy, kể từ sau Nghị định 22, Chúng ta có các hình
thức để giải quyết tranh chấp thương mại như sau:
- Các bên tự thương lượng;
- Bất kỳ các bên thực hiện quyền tố tụng: giải quyết
tranh chấp tại Toà án, hoặc Trọng tài thương mại;
- Thực hiện hoà giải thương mại với chủ thể có chức năng
hoà giải thương mại.
Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại:
Theo nghị định 22 các tranh chấp dưới đây có thể giải
quyết bằng hoạt động hoà giải thương mại:
- Các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương
mại;
- Các tranh chấp giữa các bên trong đó có một bên hoạt
động thương mại;
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được
giải quyết bằng hoà giải thương mại.
Chủ thể thực hiện hoà giải thương mại
Theo Nghị định 22, có 02 loại chủ thể thực hiện hoạt động
hoà giải thương mại:
a) Hoà giải viên thương mại theo vụ việc: là cá nhân có
đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 22 để đăng ký làm hoà giải viên thương
mại theo vụ việc, sẽ nộp hồ sơ đăng ký làm hoà giải viên thương mại theo vụ
việc tại SởTư Pháp sở tại. Nếu được chấp thuận, cá nhân đó sẽ được thực hiện
hoạt động hoà giải thương mại theo từng vụ việc.
b) Tổ chức thực hiện hoà giải thương mại: gồm Trung tâm
Hoà giải thương mại được thành lập theo Nghị định 22; và Trung tâm trọng tài
thương mại có đăng ký hoạt động hoà giải thương mại theo nghị định 22.
Tuỳ theo hợp đồng, thoả thuận thương mại mà các bên đã ký
kết, nếu có quy định chọn hình thức hoà giải thương mại để giải quyết tranh
chấp, thì khi xảy ra tranh chấp, nếu không thương lượng được, các bên có thể
chọn Hoà giải viên thương mại theo vụ việc để giải quyết theo trình tự, thủ tục
hoà giải, hoặc chọn Trung tâm Hoà giải, Trọng tài Thương mại để thực hiện hoà
giải theo quy tắc hoà giải của tổ chức đó.
Hiệu lực của thoả thuận hoà giải thương mại
Khi đạt được kết quả hòa giải thành, các
bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành, hoà giải viên thương mại theo vụ
việc hoặc đại diện tổ chức hoà giải thương mại ký xác nhận vào biên bản. Văn
bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi
hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.
Bất kỳ các bên có thể gửi văn bản kết
quả hoà giải thành cho Toà án để xem xét, công nhận theo quy định pháp luật dân
sự. Nếu được Toà án ra quyết định công nhận hòa giải thành ngoài Tòa án,
thì Thoả thuận hoà giải thành sẽ được thi hành như bản án của Tòa án theo quy
định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 9 Điều 419 BLTTDS). Trường hợp nếu Toà án không công nhận kết quả hòa
giải thành ngoài Tòa án, thì không làm ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp
lý của kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Thỏa thuận vẫn có hiệu lực ràng
buộc đối với các bên tham gia thỏa thuận (đoạn 2 khoản 6 Điều 419 BLTTDS).
Trường hợp
không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc
yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của
pháp luật.
Kết luận
Giải quyết
tranh chấp thương mại bằng hoà giải thương mại ngoài Toà án là một phương thức
tiến bộ, có tính bảo mật cao, giảm thiểu thời gian và chi phí tố tụng để giải
quyết tranh chấp đối với bất kỳ các bên.
Đồng thời,
về phương diện xã hội, giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại cũng góp
phần giúp cho các bên giữ được quan hệ đối tác, cũng như niềm tin trong các
giao dịch kinh doanh của mình.
Liên hệ:
Luật sư Hồ Hữu Hoành - Hãng luật Saigonmind
Website: www.saigonmindlaw.com Youtube: Saigonmind Hub
Tel/Viber: 0901 251 075 Email: saigonmindlaw@gmail.com
Tầng 10 Tòa nhà Vinaconex, số 47 Điện Biên Phủ, Phường Đakao, Quận 1, TP.HCM